Đây là giải thưởng do một nhà toán học người Đức tên là Paul Wolfskehl thành lập. Ông từng học y khoa tại đại học Leipzig và sau đó đợc nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Heidelberg. Tuy nhiên không may cho ông rằng mình mắc phải chứng bệnh đa xơ cứng và buộc phải theo đuổi một con đường khác vì vấn đề sức khoẻ. Trong giai đoạn từ năm 1880 đến năm 1883, ông học toán tại đại học Bonn và đại học Bern, sau đó nhận bằng tiến sĩ toán học.
Có nhiều giai thoại để kể về nguồn gốc của giải thưởng Wolfskehl giành cho những ai giải được định lý Fermat, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là câu chuyện về cuộc tự sát bất thành của ông. Năm 1908, Wolfskehl gặp những rắc rối liên quan đến đời sống riêng tư. Quá chán nản vì những bất hạnh mà mình gặp phải, ông dự định sẽ tự sát vào lúc giữa đêm để kết thúc sự đau khổ. Chẳng biết là may mắn hay xui xẻo, trong lúc chờ đợi đến giờ G, Wolfskehl vô tình đọc được chứng minh của Kummer về định lý của Fermat. Sự ham mê nghiên cứu toán học của ông trỗi dậy và Wolfskehl suy tư về nó mãi cho đến khi quên mất kế hoạch tự sát của mình. Từ đó, ông không nghĩ đến cái chết nữa và quyết tâm dành hết toàn bộ tài sản mà mình có để thành lập giải thưởng Wolfskehl.
Theo đó, giải thưởng mang tên ông sẽ được trao cho bất kì ai chứng minh được thành công định lý cuối của Fermat dạng tổng quát với mọi n. Tổng trị giá giải thưởng là 100.000 mác, tương đương 1.75 triệu đô la Mỹ lúc bấy giờ và dĩ nhiên với số tiền này, giải Wolfskehl thậm chí còn lớn hơn cả giải Nobel (và giải Nobel cũng không có giải trao cho thành tựu toán học). Ở thời điểm giải thưởng Wolfskehl bắt đầu được thông báo tới mọi người, nỗ lực chứng minh định lý Fermat bắt đầu “nóng” trở lại. Theo những tài liệu lịch sử, chỉ tính trong năm mà giải thưởng được công bố, có hơn 600 bài chứng minh được gửi về và những năm sau đó, con số này tiếp tục được tăng cao. Đáng buồn thay, toàn bộ những xấp tài liệu chứng minh đó, ĐỀU KHÔNG ĐÚNG.
Giáo sư Andrew John Wiles
Cuối cùng, vào năm 1997, giải thưởng Wolfskehl được trao cho giáo sư Andrew John Wiles sau hàng năm nỗ lực để giải quyết vấn đề mà Fermat để lại chỉ trong lề của một cuốn sách.
Nguyễn Kim Sổ(sưu tầm và tổng hợp)
Hội Toán học Việt Nam